-
- Tổng tiền thanh toán:
Nghệ thuật thưởng thức cà phê phin
Theo chân người Pháp đem văn hóa cà phê vào Việt Nam, những tưởng thức uống này ban đầu chỉ dành cho những nhà khá giả có điều kiện. Dần dà người ta bình dân hóa cà phê, để chất đắng ngấm dần vào cuộc sống của cả tầng lớp lao động phổ thông. Cà phê trở thành đặc sản chung của mọi cư dân Việt Nam đến tận bây giờ.
Người Pháp ở Paris thường chỉ ghé quán để uống nhanh một loại cà phê là Espresso (nghĩa là “tức thời”). Hoặc cũng có khi là sau bữa trưa, một tách cà phê để cơ thể được tỉnh táo.
Còn ở Việt Nam, cà phê là một văn hóa sinh hoạt vừa cộng đồng, vừa riêng tư. Người ta lấy thứ bột đen ém chặt bên trong chiếc phin kim loại làm chất xúc tác cho mọi câu chuyện, những hàn huyên thời cuộc thế nhân bên ngoài và tự sự nội tâm mỗi con người.
Một tách cà phê ngon, phải được chuẩn bị từ tay kẻ sành sõi: từ những lối pha chế rang xay cầu kỳ, ngộ nghĩnh của từng cái tôi riêng, đầy đủ hương thơm từ hạt cà phê rang tới, lối đánh bọt cho kỳ nổi xốp lớp không khí màu cánh gián. Uống ngay, thêm sữa, thêm đường, bỏ đá hay không bỏ đá... thì cà phê vẫn luôn biến hóa để chiều lòng cả những người khó tính nhất.
Mà để nói khơi khơi “đi cà phê”, thì quán xá nhiều vô kể.
Người ta đến không bởi tiếng tăm, mà bởi chỗ quán quen là chính. Điềm nhiên, đúng quán đúng chỗ, đúng ngày đúng cữ. Môt chiếc ghế ngồi, một chiếc lót ly, một phin cà phê nhễu từng nhịp chậm rãi và thất thường, chiêu thêm cữ trà tráng miệng...thế là nhào vô trò chuyện thế sự với mấy người ngồi quanh. Quán cà phê quen trở thành “nhà”. Người bạn cà phê trở thành “người nhà”.
Uống cà phê đâu phải chỉ xoay quanh chuyện chiếc phin và những gì bên trong nó, mà còn là câu chuyện bên ngoài và xung quanh chiếc phin.
Đời sống phồn thịnh, sầm uất vẫn luôn song hành với thú thưởng thức nhàn nhã, với mấy câu tâm sự thân tình - đây là cách mà bạn uống cà phê tại Việt Nam.