-
- Tổng tiền thanh toán:
Cà phê Arabica Đà Lạt
Cà phê Arabica Đà Lạt là thương hiệu cà phê nổi tiếng và là niềm tự hào của miền đất trù phú Lâm Đồng. Hãy cùng Voido Coffee tìm hiểu những điều kiện tự nhiên đặc hữu và khám phá những sản phẩm cà phê tạo nên hương vị đặc sắc của địa phương chúng tôi.
1. Sơ lược về cà phê Arabica Đà Lạt
Ở Việt Nam, cà phê Arabica được trồng chủ yếu ở vùng núi cao như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Lâm Đồng… Trong đó, Đà Lạt với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp có chất lượng rất cao, thậm chí còn sánh ngang với chất lượng của các loại cà phê ngon nhất trên thế giới.
Cà phê Arabica Đà Lạt
Đà Lạt có độ cao 1500m so với mực nước biển, lượng mưa 1,500-2,500mm/năm, nhiệt độ trung bình 18- 25 độ C, biên độ nhiệt trong ngày lớn làm chậm sự phát triển của nhân cà phê. Điều này sẽ giúp nhân và hạt cà phê Arabica có nhiều thời gian hơn để phát triển bên trong quả, qua đó tạo nên hương vị thơm ngon tinh tế.
Cà phê Arabica có giá trị kinh tế cao nhưng khó trồng và chăm sóc, khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Thời gian thu hoạch thường là từ 3 – 4 năm sau khi trồng. Arabica có tuổi thọ khoảng 25 năm tuổi. Hiện nay, cây cà phê đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: Biến đổi khí hậu; Cạnh tranh từ các cây trồng khác; Chi phí sản xuất tăng cao…
Cà phê Arabica tại Đà Lạt có 4 loại chính: Bourbon, Typica, Mocha, Catimor. Trong đó, Bourbon, Typica, Mocha là những giống thuần, có phẩm chất chất lượng rất cao nhưng rất khó trồng, khả năng kháng bệnh kém, năng xuất thấp nên ít phổ biến. Catimor là giống lai nên sở hữu những đặc điểm sinh trưởng vượt trội với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thường cho năng suất cao với chất lượng cà phê tốt. Do đó, Catimor được trồng rộng rãi tại Đà lạt.
Cà phê Arabica giống Catimor
Lâm Đồng có diện tích cà phê Arabica khoảng 17.500 ha, chiếm 10,2% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh. Năng suất bình quân 3 tấn nhân/ha tại vùng trồng Đà Lạt. Vùng sản xuất cà phê Arabica Đà Lạt được các tổ chức quốc tế đánh giá có chất lượng thuộc nhóm đầu trên thế giới; luôn được các tập đoàn cà phê đa quốc gia quan tâm như: UCC, STARBUCKS, NESTLE, OLAM, ACOM... Góp phần tạo nên ngành hàng cà phê chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Ngành cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, cà phê Arabica cũng đang được tỉnh Lâm Đồng quan tâm đầu tư rất lớn về hạ tầng giao thông, nghiên cứu giống cây trồng, công nghệ sau thu hoạch, truyền thông quảng bá thương hiệu chỉ dẫn địa lý…Cà phê Arabica tỉnh Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 3 nhãn hiệu độc quyền là “Cà phê Arabica Langbiang”; “Cà phê Cầu Đất - Đà Lạt” và thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành.
Arabica đạt sản lượng rất cao
Người nông dân, người sản xuất cà phê đã thay đổi về tư duy và cách sản xuất. Thay vì chú trọng sản lượng, họ đã tập trung sản xuất ra loại cà phê ngon, chất lượng để bán được giá cao. Và hiện nay, Đà lạt được xem là cái nôi của cà phê chất lượng cao tại Việt Nam, mở ra một trang mới trong ngành cà phê.
2. Các sản phẩm cà phê đặc trưng
Sự phong phú trong chủng loại và phương pháp sơ chế đã tạo nên sự đa dạng sản phẩm cà phê của Đà Lạt. Một điều thú vị đó là mọi sản phẩm đều bắt đầu với những quả cà phê chín được hái tỉa, hái lựa, phân loại cẩn thận trước khi bắt đầu với bất kỳ phương pháp chế biến nào.
- Cà phê Arabica chế biến ướt. So với phương pháp sơ chế khô, phương pháp này tốn nhiều công sức và chi phí hơn rất nhiều. Quả cà phê được xay tách vỏ thịt, đem ủ lên men trong bồn ủ khoảng 8 - 36h, sau đó rữa sạch, đem phơi thóc 7 – 10 ngày. Cà phê sẽ được bảo quản trong vỏ thóc và chỉ xay lấy nhân khi có yêu cầu nên đảm bảo được chất lượng tốt, không bị ẩm mốc và thời gian bảo quản cũng được lâu hơn.
Nhân xanh cà phê Arabica
Đặc trưng của sản phẩm chế biến ướt: có vị chua, hương thơm trái cây phong phú, sạch… Và đây là sản phẩm chủ lực có sản lượng xuất khẩu lớn.
- Cà phê Arabica chế biến khô: phương pháp này chỉ được sử dụng cho các loại hàng trái xanh, trái không đạt chuẩn để chế biến ướt nên chất lượng kém và giá chỉ bằng một nữa. Đơn giản là quả sau khi thu hoạch được phơi đạt độ đem xay tách vỏ lấy nhân. Đặc trưng: vị hăng, chát, khô, mùi hương men quả, kém đặc sắc.
- Cà phê natural: Đây là phương pháp chế biến khô nhưng có kiểm soát nhiệt độ và thời gian dài để quả cà phê được lên men thành đường và ngấm vào nhân trong quá trình phơi để tạo ra các loại cà phê ngon nhất với các đặc điểm hưởng vị thú vị, điển hình như nhóm hương vị trái cây lên men, hương vị bạc hà, thảo dược…
- Cà phê Honey: cũng là sản phẩm chất lượng cao được sơ chế một cách cẩn thận và tốn nhiều công sức. Quả cà phê được tách quả thịt, phơi cùng chất nhầy của quả. Quá trình phơi chậm có kiểm soát giúp chuyển hóa thành đường và ngấm vào nhân tạo vị ngọt đặc trưng cho sản phẩm: thể chất đầy đặn cân đối, hậu ngọt tự nhiên cùng với vị chua cân bằng.
- Cà phê hạt rang: người ta thường nói, không ai ngoài người nông dân chính họ là người hiểu nhất, biết nhất cách tạo nên hạt cà phê chất lượng cho mình. Và chúng tôi cũng vây, là người con của Đà Lạt, thở và sống bằng đất trời nơi đây, chúng tôi thắm đượm và biết cách lưu giữ, truyền đi những hương vị đặc trưng của quê hương mình qua những sản phẩm cà phê hạt rang phong phú, tươi mới và nhiều hương vị...
Sản phẩm Arabica Hồ Tiên thành phẩm của Voido
Các bạn thấy đấy, để bắt đầu ly cà phê ngon, không phải là khoảng khắc bạn nâng tách cà phê của mình, mà đó là điểm cuối của hành trình mà điểm bắt đầu là từ những nông trại xanh mướt, những trái cà phê được thiên nhiên và người nông dân chăm sóc, lựa chọn một cách kỹ lưỡng. Và chúng tôi, nhà rang xay của địa phương là người gìn giữ và lan tỏa giá trị thương hiệu cà phê Arabica Đà Lạt.