Bí quyết mở quán cà phê thành công

Kinh doanh cà phê là một trong những xu hướng khởi nghiệp được yêu thích của các bạn trẻ hiện nay. Văn hóa cà phê đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Việt, vì thế cà phê trở thành một ngành có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn, thỏa mãn đam mê, tạo không gian kết nối và sáng tạo.

Tuy nhiên, là một lĩnh vực sôi động nên kinh doanh cà phê cũng có sự cạnh tranh, chọn lọc và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế có rất nhiều mô hình cà phê phải đóng cửa chỉ sau một thời gian kinh doanh ngắn ngủi. Vì vậy, xác định là "lính mới" trong ngành cà phê, bạn cũng cần trang bị một cách cẩn trọng trước khi bắt tay mở quán. Việc chuẩn bị càng kỹ lưỡng, càng giảm nguy cơ "lên bờ xuống ruộng". Voido xin chia sẽ một số bí quyết mở quán cà phê thành công như sau.

Bước phân tích thị trường

Sau khi chuẩn bị tiền bạc và lên "dây cót" tinh thần, bạn nên dành thời gian khảo sát, nắm được thói quen khách hàng ở khu vực mình hướng tới (thói quen dùng cà phê tại quán, cà phê take away, thời điểm dùng cà phê, mức giá chung, đồ uống được ưa chuộng,...)

Nắm rõ mật độ dân số (có thể tìm hiểu trên internet), đối tượng khách hàng mà chúng ta hướng tới chiếm bao nhiêu phần trăm dân số khu vực. Bạn cũng nên tham khảo tình hình kinh doanh của các quán cà phê hiện có. Đó là các dữ liệu để người kinh doanh có thể tính toán, ước chừng được lượng khách, doanh thu tiềm năng.

Chọn địa điểm kinh doanh

Sau khi xác định được khu vực, việc tìm mặt bằng kinh doanh hợp lý đóng góp khoảng 30% vào sự thành công của dự án.

Địa điểm lý tưởng cho lĩnh vực kinh doanh cà phê nên là nơi tập trung đông dân cư, gần chợ, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu vui chơi, khu du lịch...

Bên cạnh đó, bạn cùng cần xét đến yếu tố thuận tiện khi tiếp cận quán. Quán là nơi dễ nhìn thấy như ngã ba, ngã tư, ngã năm hoặc những vòng xoay, những quảng trường, khu du lịch dành riêng cho người đi bộ, nơi tập trung những quán ẩm thực đang kinh doanh thịnh vượng.

Những khu biệt lập như chung cư, cao ốc, khu thương mại, siêu thị,... vẫn có thể mang lại lượng khách hàng riêng biệt với các đặc thù về nghề nghiệp, công việc, thu nhập. Việc chọn mặt bằng luôn luôn phải tính việc đáp ứng chỗ để xe cho khách hàng. Đừng quên phân tích SWOT cho vị trí được lựa chọn để cân nhắc và so sánh các phương án.

Thiết kế không gian, concept cho quán

Không riêng gì ngành F&B, lĩnh vực kinh doanh nào cũng luôn đòi hỏi những kế hoạch chi tiết. Quá trình lập kế hoạch kinh doanh không chỉ hướng đến việc quản lý, điều hành trong tương lai mà còn là bước giúp ta nhìn rõ hơn về khách hàng, thị trường, chi phí và các con số để kinh doanh thuận lợi.

Bạn cần xác định mô hình (cà phê phục vụ tại bàn, tự phục vụ, bán phục vụ...), Concept (Sân vườn, Văn phòng, Không gian xanh, Beer concept, Lounge concept...), phong cách (Classic, Vintage, Nhiệt đới, Địa Trung Hải, Scandinavian, Hiện đại, Hoàng gia...), quy mô của quán... Từ đó chi tiết hóa ý tưởng của mình.

Nếu có khả năng, bạn có thể tự vẽ hoặc thuê thiết kế 2D, 3D quán cà phê của mình. Mục tiêu của bản thiết kế giúp chúng ta tưởng tượng được không gian của quán gần với thực tế nhất, từ đó đi đến việc tính toán được kinh phí thi công, chi phí nội thất... Thậm chí, nhờ bản thiết kế, bạn có thể nhìn được ưu, nhược điểm của các chi tiết và tìm ra cách khắc phục trước khi bắt tay vào phát triển dự án.

Xây dựng menu và món "Signature"

Bên cạnh không gian, hương vị thức uống chính là "linh hồn" tạo nên thương hiệu cho quán cà phê. Menu không nên quá dài hoặc quá ngắn. Menu quá dài khiến khách khó chọn món và khó khăn trong quản lý nhân sự cũng như nguyên liệu, menu quá ngắn làm cho khách hàng thiếu sự lựa chọn.

Menu nên được xây dựng và chọn ra một loại thức uống "Signature" để làm điểm nhấn, giúp tạo sự khách biệt, tăng độ nhận diện cho quán. Trong quá trình lập menu, người kinh doanh luôn liệt kê một cách chi tiết từng nguyên liệu và cân nhắc giá cả của thức uống cũng như thuận tiện cho bước tìm kiếm nhà cung ứng.

Bên cạnh đó, bạn nên chú trọng đến ngôn ngữ, hình ảnh, cách bài trí, font chữ, trình bày... trong menu. Món "đinh" và các món ưu tiên bán nên được ưu tiên vị trí đẹp và ấn tượng.

Chuẩn bị nhân sự cho quán

Con người luôn là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành công, đặc biệt trong ngành dịch vụ. Người chủ cần chú trọng khâu tuyển dụng và đào tạo bằng bảng mô tả công việc, chi tiết cho từng vị trí, chức danh.

Kinh doanh cà phê vốn là một ngành đặc thù, để xây dựng thiện cảm với khách hàng, quán nên đưa ra quy trình chuẩn chung về dịch vụ khách hàng cho nhân viên, từ cách chào hỏi, giới thiệu đồ uống cho khách hàng đến việc phục vụ, giải đáp thắc mắc... cho họ.

Ở giai đoạn đầu, những vị trí quan trọng như pha chế, nên tìm người có kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, về lâu dài, để duy trì chất lượng thức uống, chủ quán nên tiêu chuẩn hóa công thức và chú trọng đào tạo cho vị trí này.

Tìm nhà cung cấp nguyên liệu, dụng cụ

Nguyên liệu tạo nên chất lượng dịch vụ, do đó khâu lựa chọn nhà cung cấp cần được cân nhắc. Sau khi lên danh sách, số lượng từng mặt hàng cần nhập (định kỳ, hàng ngày), xác định tiêu chuẩn cho từng mặt hàng (kích thước, nguồn gốc, giá cả...) chủ quán cần tìm kiếm nhà cung cấp các nguyên liệu uy tín, đáng tin cậy, phù hợp với mục tiêu kinh doanh của quán mình. Khi chọn được một nhà cung ứng, hãy thỏa thuận điều kiện cung ứng trước khi tiến hành ký hợp đồng.

Riêng cà phê, hiện nay có rất nhiều đơn vị cung cấp cà phê nhỏ lẻ, chất lượng thiếu ổn định; các công ty cung cấp dịch vụ trọn gói như cung cấp máy móc, kết hợp nguyên liệu mang lại sự thuận tiện cho người mới. Tuy nhiên, bạn muốn cà phê của mình thật sự chất lượng và khác biệt cũng như sự tự chủ, bạn nên cân nhắc tìm nhà cung cấp nguyên liệu chuyên sâu. Hãy dành thời gian tìm hiểu về đơn vị cung cấp, về sản phẩm để chắc chắn tìm được nhà cung cấp phù hợp, mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài ổn định và có thể đồng hành cùng bạn.

Lên kế hoạch Marketing

Kế hoạch marketing cho quán cà phê có thể được điều chỉnh tùy theo tình hình kinh doanh thực tế. Tuy nhiên, trước khi đi vào hoạt động, bạn nên đưa ra một kế hoạch marketing cụ thể, đặc biệt là thời gian khai trương (bao gồm Soft opening và Grand opening), kế hoạch in banner, lập Fanpage, quảng cáo... để thông báo trước khi khai trương, quảng bá thương hiệu. Đồng thời các chương trình khuyến mãi (mua 1 tặng 1, giảm giá...) cũng cần được lên kế hoạch cụ thể để giúp giữ chân và phát triển khách hàng tiềm năng.

Hoàn thiện thủ tục pháp lý

Dù đi theo mô hình nào, quy mô như thế nào, bạn cũng cần thực hiện các thủ tục pháp lý với các cơ quan chức năng khi chính thức đi vào hoạt động, bao gồm: giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, báo cáo thuế... theo quy định của pháp luật. Nếu kinh doanh theo hình thức nhượng quyền, bạn cần làm việc với chủ thương hiệu để thống nhất các điều khoản, ký hợp đồng thỏa thuận.

Nhìn chung, kinh doanh cà phê là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính cẩn thận cao. Bạn có thể sẽ gặp phải hàng tá khó khăn, bối rối ngay từ những bước đầu thực hiện. Từng xoay trở nhiều năm để xây dựng thương hiệu cà phê cho riêng mình và đồng hành cùng các đối tác start-up, Voido tin rằng chẳng có thành công nào đến một cách dễ dàng. Vì vậy, việc chuẩn bị càng kỹ lưỡng, bạn càng giảm nguy cơ "lên bờ xuống ruộng". Và cuối cùng, "quả ngọt" sẽ luôn dành cho những người không ngừng nỗ lực.

 

Chia sẻ:
Bạn đang xem: Bí quyết mở quán cà phê thành công
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sản phẩm bạn đã xem